09 June 2012

Phố Tây ở Huế

Mời các bạn đọc một bài về Huế. Chúc tất cả vui. Phố Tây ở Huế nằm bên bờ Nam sông Hương. Giống như bao con phố Tây khác tại Việt Nam, nơi đây tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch… phục vụ du khách khắp nơi, nhưng chủ yếu vẫn là khách phương Tây. Phố Tây hình thành từ lúc nào, không ai ở Huế nhớ rõ nữa. Con phố không lớn và gồm những ngôi nhà cổ kính xen lẫn với những căn nhà phố kiểu mới. Không giống với phố Tây của những thành phố du lịch khác của Việt Nam - sôi động và náo nhiệt, phố Tây ở Huế vẫn giữ được nét trầm mặc vốn có của cố đô, cho dù du khách đến đây ngày một thêm đông. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế, năm 2011, Huế đã đón 1,7 triệu lượt khách, tăng hơn 6% so với một năm trước đó. Dọc con phố có cửa hàng lưu niệm bán đủ các mặt hàng truyền thống cùng quán rượu, nhà hàng, khách sạn và văn phòng du lịch. Phố đông vui nhất khi màn đêm xuống: nhưng đoàn khách rảo bước quanh các cửa hàng lưu niệm, sau một ngày đi thăm hoàng cung, lăng tẩm hoặc chùa chiền. Các quán rượu, nhà hàng lúc này đương nhiên cũng đông người hơn so với ban ngày. Trục đường chính của phố Tây tại Huế vô tình cũng mang tên Phạm Ngũ Lão giống phố Tây ở TP.HCM. Ngày nay, con phố này đã mở rộng sang các con đường gần đó như Chu Văn An, Lê Lợi, Võ Thị Sáu. Có một cái quán mang tên DMZ (tức khu phi quân sự thời chiến tranh – từ Huế có thể tới đó dễ dàng), nằm ngay góc Lê Lợi – Phạm Ngũ Lão, với bàn ghế bày ra cả ngoài trời. Sáng nay do ảnh hưởng của không khí lạnh từ miền Bắc tràn về nên trời trở lạnh, mưa lâm thâm, cũng có lẽ vì vậy mà phố Tây cũng thưa thớt hơn ngày thường. Chỉ có một khách Tây đang ăn sáng, uống café tại DMZ, đắm mình trong điệu nhạc phát ra từ máy nghe chiếc nhạc cá nhân. Quán có chương trình khuyến mãi vào giờ ít khách - từ 4 giờ đến 8 giờ - như cốc tay uống 1 tặng 1 hay nhóm 4 người được tặng một ly. Và phía dưới thực đơn không quên thêm vào dòng chữ chào mời “Please come and enjoy” (Hãy vui lòng đến và thưởng thức). Phố Tây không đông khách du lịch. Phố Tây không có nhiều xe cộ qua lại. Cửa hàng trong phố bán nhiều mặt hàng như áo quần, tranh ảnh, túi xách… Phố cũng gồm nhiều nhà nghỉ, khách sạn nhỏ phục vụ khách du lịch bình dân. Tuy nhiên, bên cạnh các khách sạn nhỏ như Sports Hotel - thực ra chỉ là một cái nhà ống 5 mét bề ngang, còn có những khách sạn lớn hơn như Asia Hotel, rộng bằng 3-4 căn nhà ống gộp lại và cao 10 tầng. Và hiện nay, đã thấy thêm một khách sạn lớn được xây dựng, cao đến 10 tầng. Tôi nhớ trước đây nơi này là một quán cà phê sân vườn rất rộng. Thời gian trôi qua, mọi thứ phải thay đổi và cuộc sống phải tiếp diễn. Cũng may, dọc bờ sông (đường Lê Lợi) không có nhà cao tầng. Ở đây vẫn còn một số nhà cổ lùi vào trong với sân vườn rộng; tuy nhiên, phía ngoài giáp lề đường đã được xây thêm để kinh doanh. Trên đường Phạm Ngũ Lão còn có một số quán ăn bán cả cà phê khá lớn như Octopussy. Quán sơn màu hồng nhã nhặn, nhà kiểu cổ, trước đây cũng là một ngôi nhà vườn. Tên quán cách điệu thành con bạch tuộc, khảm từ những mảnh sứ vỡ, trông khá đẹp mắt. Khảm sành sứ là nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong kiến trúc cung đình Huế, có mặt ở điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, cung An Định, Thái Bình lâu, lăng Kiên Thái Vương, nội thất lăng Khải Định... Không những thế, phong cách trang trí bằng các mảnh sành sứ cũng xuất hiện tại đền, đình, chùa ở một số nơi, tiêu biểu là chùa Linh Phước ở Đà Lạt (người dân gọi nôm na, “chùa ve chai” vì vậy). Quán Octopussy với tên cách điệu thành con bạch tuột với những mảnh sứ vỡ khảm vào. Dọc đường Phạm Ngũ Lão tất nhiên không thể thiếu các quán ăn chuyên đặc sản Huế - bún bò, bánh bèo, bánh khoái, bánh nậm, nem lụi, nem Huế, như tại nhà hàng Missy Roo chẳng hạn. Tên các món ăn đều được ghi bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh: bún bò là Hue beef noodle soup; bánh nậm, nam pancake; bánh khoái (tức bánh xèo), fired pancake… Cách dịch này khá ngây ngô nên có lẽ du khách nước ngoài khó mà hình dung được đó là món gì. Do vậy một số nhà hàng đã in hình món ăn vào thực đơn, dưới tên tiếng Anh để cho dễ… tưởng tượng. Có một cái quán tên Tây La Carambole trông cũng ... rất Tây, bán cả đồ ăn Âu lẫn món ăn Việt. Chủ quán “khoe” rằng quán đã được chọn đưa vào các sách hướng dẫn du lịch quốc tế như Lonely Planet, Guide Evasion. Giá đồ ăn ở đây vừa phải đối với người nước ngoài: bánh thơm chiên sôcôla 30.000 đồng, xà lách 69.000 đồng, xà lách cá ngừ 69.000 đồng, ... Trong phố Tây còn có những chiếc xích lô màu tím Huế nổi bật: xe được sơn tím, vải bọc hai bên hông xe cũng tím, có điều bạt che mưa nắng lại ... màu đỏ. Một đoàn xích lô đậu trên lề đường Phạm Ngũ Lão chờ khách. Về con phố này, ông Bùi Vĩnh Cự, một nhà báo ở Huế, cho biết: “Trước đây đường Phạm Ngũ Lão rất vắng vẻ. Những năm 1980, chỉ có những cặp tình nhân sinh viên mới đi dạo ở đây”. Theo ông, ngày trước vắng vẻ vì đường này ngắn và ít người sinh sống, có những nhà vườn rất rộng. Nơi đây bắt đầu được xây dựng nhiều, sau khi khách sạn Hoa Hồng 2 xuất hiện cùng các dịch vụ du lịch. (khách sạn Hoa Hồng 1 nằm ở đường Lê Lợi). Rồi các cửa hàng, nhà nghỉ, khách sạn khác, ... cũng ra đời. Từ đó đất đai bắt đầu lên giá, một số người đã chuyển nhượng nhà cửa, đất đai và chuyển đi nơi khác. Giá đất hiện giờ không thể dưới 30 triệu/m2, tương đối đắt so với túi tiền người dân Huế bình thường. Đường Phạm Ngũ Lão chỉ dài hơn 200 mét, lòng đường rộng chừng 5 mét, vỉa hè rộng 2 mét; hai đầu là đường Võ Thị Sáu và Lê Lợi. Đường Lê Lợi có vị thế đẹp nhất và giá nhà cửa đắt nhất cố đô, dài hơn 2 cây số, nằm dọc theo bờ sông Hương với gần 60 cây cổ thụ còn lại của Huế xưa. Theo ông Trần Quang, chủ một khách sạn ở Huế, giá cho 500 m2 đất ở đây (chỉ tính giá đất, không tính nhà đã cũ có thể đập bỏ) lên đến 45 tỷ đồng. Tại phố Tây, thỉnh thoảng lại thấy một đoàn xe gắn máy đến khách sạn đón khách, chở đến các di tích. Huế có nhiều di tích lịch sử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới, có núi Bạch Mã - nơi người Pháp trước kia đã xây dựng khu nghỉ dưỡng, có nhiều chùa đẹp như chùa Thiên Mụ. Huế lại ở gần Quảng Bình - nổi tiếng với động Phong Nha, thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, khu phi quân sự thời chiến tranh,... Thành phố này cũng không xa Hội An nên có thể được xem như một trung tâm du lịch, nơi du khách có thể dừng chân trước khi thăm thú những điểm du lịch khác. Thật đặc biệt, nằm ngay giữa phố Tây là nơi sinh hoạt của một nhóm ca Huế, tại nhà của nhà văn Bửu Ý (số 9 Phạm Ngũ Lão). “Nhóm thường gặp mặt vào thứ bảy hằng tuần. Những nghệ nhân ca Huế kỳ cựu như Thanh Tâm, Minh Mẫn, Thanh Hương… vẫn đến đây để hát cho nhau nghe,” bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, một nhà báo ở Huế, cho biết. Theo bà, ông Bửu Ý – cũng là một nhà giáo, cùng vợ của mình rất yêu thích ca Huế nên đã lập ra nhóm này trên tinh thần tự nguyện. Một số mạnh thường quân đã góp thêm tiền và gạo giúp những nghệ nhân già neo đơn. Ai muốn học ca Huế đều có thể đến đây để được truyền nghề. Ngôi nhà của nhà văn còn là nơi đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch trong nước và ngoài nước đến thưởng thức và tìm hiểu nghệ thuật ca Huế. Họ không cần phải mua vé nhà văn không phải làm kinh doanh. Và những nghệ nhân ở đây chỉ muốn bảo tồn và giới thiệu loại hình nghệ thuật này. Cho dù phố Tây nói riêng và thành phố Huế nói chung có phát triển thế nào đi nữa, dường như một số người dân địa phương vẫn cố gắng lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, không muốn cho chúng bị mai một đi. Ngọc Trân ---

2 comments:

Hồ Quốc Nam said...

Em chao thay a! Duong dan thay dinh kem trong bai khong mo duoc.

Tran trong!
--
Ho Nam.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Đề thầy đưa vào blog luôn.