17 December 2011

Mạng xã hội, con dao hai lưỡi

Gởi các bạn một bài viết của tôi về mạng xã hội.

Chúc tất cả vui.

---

Mạng xã hội, không chỉ có lợi

Ra đời cách đây chỉ hơn 15 năm nhưng ngày nay các trang mạng xã đã tiến bước vượt bậc và làm thay đổi cách thức giao tiếp của hàng tỷ người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích khá rõ ràng, mạng xã hội đã tạo ra những nguy cơ mới, trong đó có việc khiến cho người sử dụng ngày càng xa dần thế giới thực.

Nhờ mạng xã hội, trái đất dường như trở nên nhỏ bé hơn và khoảng cách địa lý không còn ý nghĩa gì nữa. Giờ đây ai ai cũng có thể nhanh chóng biết tin của bạn bè, người thân và ở bất cứ nơi đâu.

Thế giới trong tầm tay

Mạng xã hội có thể giúp lan truyền tin tức nhanh chóng đến mức thật đáng kinh ngạc. Hồi tháng ba năm nay, khi Nhật bị thảm họa động đất - sóng thần, ngay tức thì hàng triệu, triệu lời chia sẻ, cảm thông và kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân đã được tỏa đi qua Twitter, Facebook, My Space và các mạng xã hội khác.

Theo thống kê của Tweet-o-Meter, trung bình số tin nhắn gửi qua Twitter đã đạt kỷ lục 1.200 tin/phút trong vòng chưa đến 1 giờ sau khi động đất - sóng thần xảy ra. Lời kêu gọi của thành viên các mạng xã hội rất có trọng lượng; ngay tức thì nhiều người Nhật đã được giúp đỡ. Và những câu chuyện cảm động về bạn bè, người thân tìm lại được nhau sau thảm họa đã xuất hiện trên Facebook.

Mạng xã hội còn là cầu nối hiệu quả, ít tốn kém giữa doanh nghiệp với khách hàng. Bởi lẽ, nhờ đó, doanh nghiệp có thể thường xuyên cập nhập tin tức cho khách hàng, không cần phải sử dụng các phương tiện quảng cáo đắt tiền. Qua đó, họ có thể nắm bắt tâm lý khách hàng và thu thập ý kiến khen, chê về sản phẩm, dịch vụ của mình,.

Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất khi sử dụng các mạng xã hội cho công việc kinh doanh là “hiệu ứng lây lan”. Nhiều doanh nghiệp đã thu hút được sự chú ý của thành viên mạng xã hội, nhờ đó có thể dễ dàng đánh bóng được tên tuổi.

“Trong tương lai, có thể khách hàng sẽ chỉ truy cập vào các mạng xã hội chứ không quan tâm tới các trang web doanh nghiệp nữa”. Đó là nhận xét của ông Marc Diviné, chuyên dạy quản lý sáng tạo và marketing từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp, giáo sư thỉnh giảng của Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (TP.HCM), trong một cuộc phỏng vấn với người viết bài này.

Ông Diviné đã đưa ra ví dụ của một doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội thành công. Đó là Ducati. Theo ông, nhà sản xuất xe gắn máy của Ý này đã nỗ lực rất nhiều, từ tạo dựng môi trường mạng xã hội dành riêng cho cộng đồng yêu thích những kiểu xe khác nhau của mình cho tới việc tổ chức cho khách hàng thường xuyên gặp gỡ nhau. Ducati cũng luôn tổ chức thi tuyển qua mạng nhằm tìm ra những người có tài “độ” xe gắn máy giỏi nhất, làm cho xe của họ đẹp hơn và mạnh hơn. Sau đó, Công ty sẽ mua lại những mẫu xe giật giải để áp dụng vào các thiết kế xe gắn máy của mình.

Trên thực tế, lượng người sử dụng mạng xã hội đang lớn dần. Số thành viên của Facebook đã lên đến 800 triệu người; Twitter được 150 triệu. Google+, mạng xã hội ra đời từ đầu tháng 7 năm nay, cũng đã thu nạp được hàng chục triệu thành viên. Không tận dụng mạng xã hội để quảng bá cho mình thì thật quá uổng phí.

Không chỉ có lợi

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực không thể phủ nhận, mạng xã hội đang dần bộc lộ những mặt trái của mình.

Giáo sư Sherry Turkle, Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), lo ngại rằng công nghệ đang thống trị thế giới và khiến chúng ta trở nên “ít con người hơn”. Giờ đây, thay vì ra ngoài để giao du, gặp gỡ bạn bè, nhiều người chỉ ngồi ở nhà và tiếp xúc với bạn của mình qua mạng xã hội. Bà Turkle đã mô tả cách thức con người giao tiếp qua Facebook hay Twitter là một dạng “điên rồ hiện đại”. (1)

Theo Nielsen, một công ty nghiên cứu thị trường, mỗi tháng, tại Mỹ, một người dùng Facebook trung bình tốn khoảng 7 giờ 46 phút cho mạng xã hội này. (2)

Tại Anh, một phụ nữ tên Simone Back đã viết ghi chú trên Facebook rằng cô muốn tự tử. Tuy nhiên, chẳng ai trong số 1.048 “người bạn” của cô trên Facebook quan tâm giúp đỡ. Thậm chí có người còn gọi cô là kẻ nói dối và bảo cô “uống hết thuốc của mình đi”. Kết quả: Simone Back uống thuốc thật và qua đời. Graham Bell, thuộc tổ chức Brighton and Hove Depression Alliance, nhận xét: “Con người cần những người bạn trong thế giới thật hơn là thế giới ảo”. (3)

Một số thành viên mạng xã hội cũng đã lợi dụng sự tự do không kiểm soát của mạng để thao túng, điều khiển những thành viên khác. Hồi tháng tám vừa qua, khi bạo loạn xảy ra tại London, nhiều người đã dùng Facebook và Twitter để tung tin đồn, gây thêm bất ổn cho thủ đô xứ sở sương mù.

Tháng 5.2010, tòa án tỉnh Mendoza (Argentina) đã phải yêu cầu mạng xã hội Facebook đóng cửa tất cả những diễn đàn của trẻ em tham gia mạng xã hội này. Bởi lẽ hơn 11.000 học sinh trung học đã rủ nhau bỏ học, thông qua Facebook.

Một nguy cơ nữa của mạng xã hội là thông tin cá nhân có thể bị tiết lộ. Việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, một ngày nào đó, có thể làm hại đến chính người chia sẻ. Vì có thể lần ra thông tin nhờ các công cụ tìm kiếm, cho dù tác giả đã rút chúng xuống. Phần lớn các thông tin đều được các công cụ tìm kiếm như Google lưu trữ ngay sau khi xuất hiện trên mạng.

Một số doanh nghiệp hay có thói quen tìm hiểu về người đến xin việc thông qua mạng xã hội. Một bức ảnh hay phát ngôn không đứng đắn có thể được tìm ra trên một mạng xã hội và như thế cơ hội kiếm việc đã tan biến. Không chỉ có vậy, trò đùa nơi công ty cũng dẫn đến thất nghiệp. Tám nhân viên của Woolworths, tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Úc, đã bị đuổi việc vì chụp ảnh nằm sấp trên giá để hàng, trên xe đẩy hàng, quầy trưng bày sản phẩm mẫu… rồi chia sẻ các ảnh đó trên Facebook. (4)

Có thể ví mạng xã hội như con dao hai lưỡi, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Vì vậy mỗi người dùng phải biết tự bảo vệ mình, bằng cách hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân, cẩn thận khi nhấp vào các liên kết lạ và đặc biệt là không tiêu tốn quá nhiều thời gian để lang thang trên Twitter hay Facebook.

Doanh nghiệp cũng cần thận trọng với mạng xã hội. Cũng trong cuộc phỏng vấn với người viết bài này, giáo sư Diviné của Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý, cho rằng, một khi đã khuyến khích người tiêu dùng bàn luận về sản phẩm của mình, mà sản phẩm lại không có chất lượng tốt, họ sẽ chỉ chăm chăm nói đến những điểm yếu của sản phẩm. Nếu như thế thì “lợi bất cập hại”.

Ngoài ra, theo ông, nếu sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực không cần giao tiếp thông tin liên quan đến sản phẩm và thương hiệu như sản xuất bát đĩa trắng bán cho các nhà thiết kể để họ vẽ trang trí lên trên đó thì mạng xã hội là không cần thiết.
“Khách hàng biết rõ sản phẩm và không có nhu cầu tham gia một cộng đồng chỉ để bàn luận về sản phẩm đó”, ông nói.


--
(1) http://www.guardian.co.uk/media/2011/jan/22/social-networking-cyber-scepticism-twitter
(2) http://news.yahoo.com/spend-8-hours-per-month-facebook-stats-192150425.html
(3) http://www.guardian.co.uk/technology/2011/jan/05/facebook-suicide-simone-back
(4) http://www.dailytelegraph.com.au/news/sydney-nsw/plankers-sacked-by-supermarket-giant-woolworths/story-e6freuzi-1226059222615

3 comments:

Hồ Quốc Nam said...

Theo em, cái nguy hiểm nhất của mạng xã hội là nó làm mất quá nhiều thời gian của con người và phần lớn thời gian này không tạo ra được của cải cũng như vật chất mới phục vụ hữu hiệu cho đời sống chúng ta.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em đã bình luận.

Các bạn khác có bình luận nào không?

Gatebeepers said...

Bạn ST gởi:
Nếu không buồn rời khỏi ghế để ra ngoài cuộc sống thực thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ chào hỏi hàng xóm thông qua MXH, và thậm chí hỏi thăm/ trao đổi người thân sống chung một mái nhà với mình qua... MXH.
ST